Các phương pháp điều trị bệnh cúm A H5N1

5 195 đã xem

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), virus cúm A H5N1 là một biến thể đặc biệt nguy hiểm từ cúm gia cầm. Nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, bệnh sẽ biến chứng gây nguy hiểm đến tính mạng. Sau đây là một số phương pháp điều trị cơ bản nhất được áp dụng cho một ca mắc cúm A H5N1.

Phác đồ điều trị cúm A H5N1

Việt Nam là một nước nông nghiệp và có khí hậu nhiệt đới thuận lợi cho virus cúm phát triển. Cúm A H5N1 cũng không ngoại lệ, gây ra tỷ lệ tử vong cao. Chính vì vậy người bệnh cần phải tích cực phối hợp và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ để đạt kết quả cao nhất.

Nguyên tắc chung:

  • Khi phát hiện bệnh, người bệnh phải được cách ly và thông báo kịp thời cho các cơ quan y tế dự phòng.
  • Dùng thuốc kháng virus độc lập hoặc kết hợp với  (Oseltamivir, zanamivir) càng sớm càng tốt trong vòng 48 tiếng. Kể cả những trường hợp tiếp xúc trực tiếp với người bệnh và có bị sốt
  • Điều trị tại chỗ với những trường hợp nặng.
  • Điều trị tại chỗ với những cơ sở thích hợp và yêu cầu tuyến trên giúp đỡ nếu tình trạng bệnh nặng

Tìm hiểu thêm: Các dấu hiệu cảnh báo nguy cơ nhiễm cúm A H5N1

Điều trị suy hô hấp cấp

  • Người nhiễm cúm gia cầm H5N1 thường có các dấu hiệu bị suy hô hấp. Nhiều trường hợp tử vong là do bị thiếu oxy nghiêm trọng. Vì vậy cần chú ý đảm bảo hô hấp cho bệnh nhân bằng các biện pháp cơ bản như hút đàm, thở máy.
  • Điều chỉnh tư thế nằm đầu cao từ 30 – 45 độ cho người bệnh. Khi bệnh nhân có dấu hiệu tím tái, thở nhanh nông, cần gấp rút cho thở máy và thông khí nhân tạo để cung cấp khí oxy.
  • Nếu tình trạng giảm oxy máu không được cải thiện bằng các biện pháp trên thì phải áp dụng thở CPAP.
  • Tình trạng tràn khí màng phổi có thể xảy ra, cần xử trí nhanh và kịp thời bằng cách dẫn lưu hút khí màng phổi giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch.

Điều trị dùng thuốc

Điều trị dùng thuốc 1

Thủ phạm chính gây ra bệnh cúm gia cầm type A này chính là virus H5N1 có độc lực rất cao. Vì vậy cần sớm sử dụng thuốc kháng virus Tamiflu trong vòng 48 giờ đồng hồ kể từ khi có dấu hiệu nhiễm bệnh để có tác dụng tốt nhất.

Sốt cao đột ngột trên 38 độ C, liên tục kéo dài suốt trong ngày là một biểu hiện dễ nhận thấy ở bệnh nhân nhiễm cúm A H5N1. Paracetamol được khuyên dùng trong trường hợp này để hạ sốt. Không dùng Aspirin hay các dẫn xuất có salixylat khác, nhất là cho trẻ em.

Các triệu chứng khác như ho khan, ho có đờm, đau cơ khớp… luôn khiến cho người bệnh có cảm giác mệt mỏi và khó chịu. Tuy nhiên chỉ áp dụng các loại thuốc điều trị như Codein khi thật cần thiết, và phải có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa

Đối với các bệnh nhân có nguy cơ cao (trẻ sơ sinh, người già, người có suy hô hấp mạn tính, suy tim..) có thể cho kháng sinh phòng bội nhiễm.

Khi xảy ra các biến chứng, bệnh nhân sẽ được cho dùng loại kháng sinh thích hợp. Mục đích là điều trị các bội nhiễm vi khuẩn, chủ yếu để kháng lại Tụ cầu, Phế cầu và H. influenza.

Điều trị hỗ trợ

Các xét nghiệm như công thức máu, khí máu, điện giải đồ…giúp theo dõi đường máu và xuất huyết tiêu hóa ở bệnh nhân nhiễm cúm A H5N1.

Những ca tiến triển nặng, có dấu hiệu sốc nhiễm khuẩn sẽ được chỉ định dùng corticosteroid.

Các biện pháp hồi sức khác

Các biện pháp hồi sức khác 1

  • Truyền dịch: mục đích là để đảm bảo cân bằng vào ra, duy trì nước tiểu ở người lớn khoảng 1200 -1500 ml/ngày.
  • Thuốc vận mạch: sử dụng dopamine hoặc noradrenaline phối hợp với dobutamine để duy trì huyết áp tâm thu ≥ 90 mmHg.
  • Thăng bằng kiềm toan: đảm bảo thăng bằng kiềm toan, đặc biệt khi tiến hành thông khí nhân tạo tăng thán cho phép, duy trì pH ≥ 7,15.
  • Khi tình trạng bệnh nhân tiến triển nặng thành suy đa tạng, cần áp dụng phác đồ hồi sức cho bệnh nhân suy đa tạng.
  • Ở những nơi có điều kiện có thể tiến hành lọc máu liên tục để hỗ trợ điều trị hội chứng suy đa tạng.

Chế độ dinh dưỡng và chăm sóc

Cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước và nghỉ ngơi hoàn toàn đối với bệnh nhân bị cúm A H5N1.

Những thực phẩm khuyên dùng cho người bệnh nên ở dạng lỏng như sữa, bột, cháo… để hệ thống tiêu hóa dễ dàng hấp thu. Nếu bệnh nhân không tự ăn được, phải đưa chất dinh dưỡng qua ống thông dạ dày và đường tĩnh mạch.

Bệnh nhân bị cúm A H5N1 do thể trạng suy yếu toàn diện nên phải nghỉ ngơi hoàn toàn trên giường bệnh. Vì vậy để chống loét, nên cho bệnh nhân nằm đệm nước, xoa bóp, thay đổi tư thế.

Sau khi đã áp dụng các biện pháp điều trị cơ bản trong phác đồ trên, bệnh nhân sẽ được xuất viện nếu hết sốt trong vòng 7 ngày, kết quả xét nghiệm máu, X-quang ổn định và âm tính với virus cúm A H5N1. Để đạt hiệu quả cao nhất trong việc điều trị, người bệnh cần phát hiện sớm và phối hợp tích cực với bác sĩ để đề phòng các biến chứng nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng của chính mình.

Tìm hiểu thêm: Phòng bệnh cúm A H5N1 như thế nào?

(Theo BV Nhiệt đới Trung ương)

Có thể bạn quan tâm: Bệnh cúm H5N1

Ý kiến của bạn