Thuốc Đông y nhiễm nhiều độc chất gây bệnh

309 đã xem

Người ta thường đốt lưu huỳnh trong các thùng chứa thuốc Đông y để hơi hóa chất xông lên diệt sâu mọt, nấm mốc… Lưu huỳnh tích lũy nhiều trong cơ thể có thể gây ung thư.

Nhiều người ngày nay có xu hướng điều trị bệnh bằng thuốc y học cổ truyền vì sợ tác dụng phụ của thuốc Tây. Tuy nhiên các lương y khuyến cáo thị trường thuốc Đông y hiện có nhiều hàng giả hoặc thuốc nhiễm độc do quá trình chế biến bảo quản dùng nhiều hóa chất.

Dược sĩ Lê Kim Phụng, nguyên giảng viên Khoa y học cổ truyền, Đại học Y dược TP HCM cho biết, có nhiều loại thuốc bị làm giả mạo như hồng hoa, hà thủ ô đỏ, kim ngân, hoài sơn…; hoặc được bảo quản bằng chất độc như lưu huỳnh, chì, kẽm, thủy ngân, nhiễm nấm mốc…

Thống kê của Viện Dược liệu, 30% dược phẩm đang được lưu hành chứa nấm mốc, nhất là aflatoxin. Độc tố này có trong dược liệu gây tổn thương gan, ung thư gan. Những loại độc tố không bị diệt ở nhiệt độ cao (160-170 độ C), do đó, khi sắc thuốc vẫn còn.

Theo dược sĩ Phụng, người chế biến thuốc Đông y thường đốt lưu huỳnh trong các thùng chứa thuốc để lấy hơi xông lên diệt sâu mọt, nấm mốc và làm cho dược liệu dẻo, mềm mại, trắng sáng và đẹp hơn. Tuy nhiên lưu huỳnh là một chất độc, gây nhức đầu, chóng mặt, đau đầu, sốt, tiêu chảy và ói mửa. Chất này nếu tích lũy nhiều trong cơ thể sẽ gây ung thư.

Tam thất là dược liệu thường được đánh bóng bằng chì cho đẹp. Chì rất độc. Khi sắc thuốc uống, một lượng lớn chì sẽ khuếch tán vào trong nước thuốc và có thể gây nhiễm độc. Trẻ em uống phải thuốc có chì sẽ chậm lớn, trí tuệ kém phát triển; người lớn bị tăng huyết áp, suy tim. Khi lượng chì trong cơ thể tích lũy đến mức 0,8 ppm sẽ gây ra thiếu máu do thiếu hụt hemoglobin, phụ nữ dễ bị sẩy thai.

Tam thất

Tam thất là loại dược liệu thường được đánh bóng bằng chì

Ngộ độc do kẽm cũng là ngộ độc cấp tính. Ăn phải một lượng lớn kẽm có thể gây chết người, với triệu chứng như có vị kim loại khó chịu và dai dẳng trong miệng, nôn, tiêu chảy, mồ hôi lạnh, mạch đập khẽ. Nạn nhân thường chết sau khi ăn 10 đến 48 giây.

Thủy ngân thường dùng chế biến các dược liệu như chu sa. Thủy ngân làm gãy nhiễm sắc thể và ngăn cản sự phân chia tế bào, gây hiện tượng vô sinh ở nam giới nếu ngộ độc thủy ngân lâu dài.

“Thuốc Đông y giả, dùng hóa chất chế biến không đúng quy cách làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành y dược cổ truyền Việt Nam. Các cơ sở sản xuất và chế biến thuốc y học cổ truyền cần đặt uy tín chất lượng thuốc lên hàng đầu”, dược sĩ Kim Phụng chia sẻ.

Theo dược sĩ Kim Phụng, kết hợp y học cổ truyền với y khoa hiện đại là yêu cầu quan trọng để phát triển y học Việt Nam. Mỗi nền y học có đặc điểm riêng về lý luận, lịch sử phát triển, phương pháp nghiên cứu…, song đều là môn khoa học nghiên cứu về sinh lý và bệnh lý của con người.

Kết hợp Đông Tây y không chỉ đơn thuần là kết hợp thuốc Tây và thuốc ta, mà phải dựa trên cơ sở khoa học và hợp lý để đạt hiệu quả tối đa nhất cho người bệnh, không được tùy tiện và liều lĩnh vì có thể gây ngộ độc do phản ứng thuốc trên người bệnh. Kết hợp Đông Tây y cần dựa trên kết quả chẩn đoán của Tây y, kết quả xét nghiệm cận lâm sàng, cơ địa của bệnh nhân, tác động dược lực dựa vào thành phần hoạt chất của cây cỏ, thảo dược, sự tương tác thuốc…

Dược sĩ Kim Phụng nhấn mạnh, Đông y là cây cỏ thiên nhiên nhưng khi dùng cần phải theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn. Cần chú ý những nguyên tắc:

– Dùng đúng chỉ định: Người bệnh cần được khám và có chỉ định hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa, tránh tự ý sử dụng. Trong thành phần hóa học của cây cỏ còn những nhóm chất có tác dụng rất mạnh, dùng không đúng cách sẽ dẫn đến những tai hại khó lường. Không ít trường hợp nhập viện và cấp cứu là do sử dụng sai công dụng của cây cỏ.

– Dùng đúng liều lượng: Có những cây cỏ tính năng chữa bệnh không độc nhưng lạm dụng nó có thể dẫn đến những tác hại khôn lường.

– Dùng đúng bệnh: Cơ địa của mỗi người một khác nên tránh nghe tin đồn từ người khác mà áp dụng lên bản thân mình. Đôi khi người dùng gánh những phản ứng phụ xảy ra do sự tương tác thuốc.

– Bào chế đúng cách: Sắc thuốc đúng, sao tẩm đúng, từ đó phát huy hết công năng chủ trị của thuốc và có hiệu quả tối đa.

– Đông dược cần được đảm bảo đúng quy cách: Kiểm soát từ khâu thu mua, vận chuyển, bảo quản trong điều kiện độ ẩm và nhiệt độ ánh sáng đúng quy định, để thuốc không bị hư hỏng biến chất và mất chất lượng. Thông thường thuốc y học cổ truyền được bảo quản tốt chỉ có hạn dùng một năm.

Theo vnexpress

Ý kiến của bạn