Viêm lợi là chứng bệnh thông thường và phổ biến hiện nay. Vì là bệnh phổ biến nên nhiều người còn xem thường chứng bệnh này mà không biết viêm lợi có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Lợi có nhiệm vụ bảo vệ, che chở và giữ cho chân răng được chắc chắn. Nguyên nhân gây viêm lợi là do vi khuẩn ở trong mảng bám hoặc cao răng tồn tại lâu trong miệng. Vi khuẩn, mảng bám tồn tại càng lâu thì mức độ nghiêm trọng mà chúng có thể gây ra càng lớn. Lợi của người bệnh bị sưng đỏ, dễ chảy máu, đặc biệt là khi chải răng, tổ chức chân răng lỏng, kèm hôi miệng, người bệnh có cảm giác đau hoặc ngứa căng lợi răng.
Bệnh viêm lợi được chia làm hai giai đoạn:
Giai đoạn đầu , lợi có thể bị đỏ, sưng phồng lên và rất dễ chảy máu nhất là khi đánh răng. Trong giai đoạn này, lợi có thể bị sưng tấy nhưng răng vẫn bám chắc trong lỗ chân răng. Không có các tổn thương về xương hoặc mô nào khác.
Bệnh viêm lợi giai đoạn đầu có thể chữa được nếu người mắc bệnh có các biện pháp khắc phục đúng cách, trong đó bao gồm việc vệ sinh răng lợi hàng ngày.
Giai đoạn hai: Khi lợi đã bị viêm mà không chữa trị và chăm sóc răng miệng đúng cách, lớp lợi bên trong cùng với xương hàm bị đẩy lùi ra phía sau, tạo thành những lỗ hổng quanh răng. Những khoảng trống nhỏ giữa răng và lợi là nơi tích tụ các mảnh vụn thức ăn bị giắt vào và có thể gây nhiễm khuẩn.
Khi bựa răng tích tụ ngày càng nhiều dưới vòm lợi, hệ thống miễn dịch của cơ thể lại càng phải gắng sức chiến đấu chống lại vi khuẩn. Và các độc tố kháng vi khuẩn và các chất enzym trong cơ thể được sản sinh ra sẽ dần phá hủy hàm và các mô liên kết (những mô này có tác dụng định vị, giữ cho răng chắc). Lợi bị viêm sưng đỏ, chảy máu gây đau nhức, sưng má, răng miệng có mùi hôi khó chịu. Lâu ngày, lợi sẽ bị tụt xuống làm chân răng lộ ra, trông rất xấu. Bệnh càng trầm trọng, những lỗ hổng này càng sâu, lợi và xương hàm bị phá hủy càng nặng, răng không còn chỗ bám nữa sẽ trở nên lỏng lẻo và cuối cùng rụng ra.
Các biến chứng do viêm lợi
Nếu không điều trị viêm lợi có thể tiến triển đến bệnh nướu răng, lây lan đến các mô cơ và xương (nha chu), một tình trạng nghiêm trọng hơn nhiều có thể dẫn đến mất răng.
Nha chu và sức khỏe răng miệng kém nói chung cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Nghiên cứu liên kết chỉ rõ nha chu làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ hoặc bệnh phổi. Phụ nữ có thai có thể có nhiều khả năng sinh non hoặc trẻ sơ sinh có cân nặng lúc sinh thấp hơn là phụ nữ với nướu răng khỏe mạnh. Tiểu đường làm tăng nguy cơ bị bệnh nha chu và các nhiễm khuẩn khác. Ngược lại, nhiễm khuẩn ở miệng khiến khó kiểm soát nồng độ đường máu hơn. Nếu bạn bị viêm lợi nặng và có vấn đề về phổi, hít vi khuẩn từ miệng vào trong phổi có thể dẫn đến viêm phổi.
Tìm hiểu thêm: Những biến chứng của bệnh viêm lợi bạn cần biết
Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ của viêm lợi
Mọi người đều có thể bị viêm lợi và yếu tố góp phần phổ biến nhất là thiếu chú ý đến vệ sinh răng miệng đúng cách. Nguyên nhân gây viêm lợi chủ yếu là do mảng bám hoặc cao răng tồn tại lâu trong miệng. Khi các mảng bám không được thường xuyên làm sạch, vi khuẩn sẽ tấn công đến tận chân răng và sản sinh tại đó các enzym có khả năng phá huỷ sự liên kết của các biểu mô (nối lợi và răng) và gây ra viêm lợi.
Ngoài ra còn phải kể đến các nguyên nhân làm gia tăng vi khuẩn gây viêm lợi như:
Thuốc lá, rượu và chế độ dinh dưỡng không khoa học : thuốc lá, rượu, đồ ăn ngọt, đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh… sẽ gây nên những mảng bám trên răng, từ đó tạo thuận lợi cho bệnh viêm lợi tiến triển. Thường xuyên ăn thức ăn quá mềm làm cho hàm răng của mình lười hoạt động và làm cho cấu trúc bảo vệ răng yếu đi và dễ bị viêm.
Giảm tiết nước bọt: Một số thuốc (chống trầm cảm, lợi niệu, histamin…) hoặc các bệnh làm giảm việc tăng tiết nước bọt, gây khô miệng. Không có tác dụng làm sạch của nước bọt, mảng bám răng và cao răng có thể tích tụ dễ dàng hơn. Sự tích tụ này cũng làm tăng nguy cơ sâu răng. Uống rượu cũng làm giảm tiết nước bọt. Hơn nữa, ở một số người cao tuổi, khi lợi và răng không khít, thức ăn và các mảng bám của răng sẽ nằm lại ở đây.
Thay đổi hormon khi mang thai: Có rất nhiều sự thay đổi hormon ở chị em trong giai đoạn bầu bí và theo cơ chế tự nhiên sẽ làm giảm sức đề kháng của lợi đối với các vi khuẩn bám trên răng.
Di truyền và giảm miễn dịch: Vi khuẩn gây viêm lợi có hại cho lợi của một số người này hơn một số người khác. Những người mẫn cảm với bệnh thường có cơ địa di truyền bị bệnh lợi. Một số bệnh có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến dễ bị nhiễm khuẩn dẫn đến viêm lợi.
Bệnh đái tháo đường: Người bị đái tháo đường không kiểm soát được hoặc kiểm soát đường huyết kém dễ bị bệnh viêm lợi hơn. Đường huyết cao làm áp lực mạch máu tăng lên, giảm khả năng vận chuyển chất dinh dưỡng đến mô lợi. Điều này làm cho lợi bị yếu và dễ nhiễm khuẩn.
Để phòng bệnh viêm lợi cần lưu ý
Cần phải loại bỏ nguyên nhân là mảng bám răng và cao răng, người bệnh phải đến phòng khám để bác sĩ lấy sạch cao răng. Sau khi đã hết cao răng, bác sĩ sẽ hướng dẫn cách chải răng và sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch mảng bám răng.
Nếu bệnh nhân bị nặng, chảy máu lợi nhiều thì bác sĩ sẽ cho sử dụng thuốc; Chăm sóc răng miệng tại nhà bằng cách ăn uống đủ chất và đánh răng buổi tối trước khi đi ngủ và buổi sáng khi thức dậy.
Ngoài ra, bạn cũng nên xỉa răng vì đánh răng chỉ chải sạch các bựa răng bám trên bề mặt những chiếc răng mà bàn chải với tới được, còn xỉa răng có thể lấy đi những bựa và cao răng nằm ở khe giữa các răng và sâu dưới lợi.
Cả hai biện pháp này là cách tự bảo vệ răng tại nhà tốt nhất. Nên đánh răng xoay tròn ở các mặt phía ngoài của răng để tránh làm tổn thương lợi; Súc miệng và uống nước sau khi ăn, nhất là sau khi ăn đồ ngọt; Không dùng vật nhọn cứng chọc vào răng gây ra khe hở chân răng, thức ăn thường hay giắt vào nơi đó gây viêm nhiễm.
Theo BS Thu Nga/ SKĐS
Tư vấn sức khỏe trực tuyến