Bệnh Cúm là gì?
Bệnh Cúm là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Cúm gây ra. Bệnh có thể gây thành dịch và đại dịch, có diễn biến lâm sàng đa dạng với nhiều trường hợp nặng, tiến triển nhanh, dễ dẫn tới tử vong. Trên thế giới đã chứng kiến những đại dịch Cúm lớn, dẫn đến hàng chục triệu ca tử vong. Việc chẩn đoán sớm và điều trị đúng bệnh Cúm có ý nghĩa rất lớn đối với sức khỏe từng cá nhân cũng như đối với cả cộng đồng.
Ở Việt Nam cũng như trên thế giới, bệnh Cúm thường bị nhầm lẫn với bệnh cảm Cúm hay cảm lạnh. Bệnh Cúm là bệnh do virus Cúm gây ra. Virus Cúm có 3 tuýp là virus Cúm A, B và C. Một trong những đặc điểm quan trọng nhất của bệnh Cúm là khả năng gây đại dịch và có thể dẫn đến tử vong do biến chứng nặng. Trong khi đó, bệnh cảm lạnh hay cảm Cúm thường lại do các virus khác như Rhinoviruses, Coronaviruses hay virus hợp bào hô hấp.
Hai bệnh cảnh lâm sàng của bệnh Cúm và Cảm cúm/Cảm lạnh thông thường có nhiều điểm chung như bệnh nhân thường biểu hiện hắt hơi, chảy nước, mũi, ho, đau mỏi người nhưng bệnh Cúm có nguy cơ tiến triển viêm phổi cao hơn, tỉ lệ tử vong cao hơn trong khi cảm Cúm/cảm lạnh thường có triệu chứng nhẹ hơn và tỉ lệ tử vong thấp hơn rất nhiều.
Bệnh Cúm ở Việt Nam thường xuất hiện theo mùa, đặc biệt là trong thời gian từ tháng 12 đến tháng 1 và từ tháng 5 đến tháng 6 hàng năm. Bệnh Cúm lây truyền rất mạnh qua đường hô hấp, đặc biệt rất dễ lây khi có tiếp xúc gần trong bán kính 2 mét. Trong cộng đồng, cần nghĩ tới bệnh Cúm cho tất cả các trường hợp có tiếp xúc gần với người bệnh nghi ngờ, có thể hoặc đã được chẩn đoán Cúm, với biểu hiện sốt cấp tính trong vòng 7 ngày kèm theo một trong các biểu hiện về hô hấp như viêm long đường hô hấp trên, đau họng, ho khan hoặc có đờm, và các triệu chứng khác như đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, nôn, tiêu chảy. Các trường hợp nặng bệnh nhân có thể có viêm phổi, suy hô hấp, suy đa tạng và có thể tử vong.
Mặc dù đa phần các trường hợp có triệu chứng nhẹ sẽ tự khỏi nhưng bệnh Cúm có nguy cơ tiến triển rất nặng ở một trong những đối tượng sau:
- Phụ nữ mang thai (kéo dài cho đến khi sau đẻ 2 tuần)
- Trẻ bú mẹ và trẻ nhỏ (
- Người mắc bệnh tim mạch mạn tính (suy tim)
- Người mắc bệnh phổi mạn tính (hen và COPD)
- Người mắc bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính (tiểu đường)
- Người mắc bệnh gan, thận mạn tính
- Người bị rối loạn thần kinh cơ, rối loạn nhận thức và co giật
- Bệnh nhân suy giảm miễn dịch (HIV, thuốc ức chế miễn dịch, bệnh lý ác tính)
- Người mắc bệnh về huyết sắc tố
- Trẻ em dùng aspirin kéo dài
Làm gì khi bị cúm
Do đa phần các trường hợp mắc bệnh Cúm đều có biểu hiện nhẹ nên việc điều trị có thể thực hiện tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ kết hợp với sử dụng các biện pháp cách ly phù hợp. Đối với các trường hợp Cúm nặng hoặc có các yếu tố nguy cơ kể trên, bệnh nhân cần được nhập viện để điều trị bằng thuốc và biện pháp chăm sóc chuyên biệt.
Cách phòng bệnh hiệu quả nhất đối với bệnh Cúm là tiêm vaccine phòng Cúm. Tuy nhiên, virus Cúm thường hay biến đổi nên cần tiêm vaccine phòng bệnh hàng năm, đặc biệt đối với những bệnh nhân có nguy cơ cao tiến triển Cúm nặng. Các biện pháp phòng bệnh khác bao gồm sử dụng khẩu trang có phủ kháng thể đặc hiệu chống virus Cúm khi có dịch Cúm trong cộng đồng, rửa tay, tránh tập trung đông người khi có dịch xảy ra và vệ sinh cá nhân, vệ sinh hô hấp, súc miệng – họng, bảo vệ niêm mạc đường hô hấp bằng kháng thể IgY chống Cúm.
Ths. BSCK II. Nguyễn Hồng Hà
Phó giám đốc BV Truyền nhiễm Trung ương
Phó chủ tịch hội Truyền nhiễm Việt Nam
Tư vấn sức khỏe trực tuyến