Tìm hiểu về bệnh sâu răng

1 747 đã xem

Bệnh sâu răng là một bệnh phá hoại cấu trúc của răng, do một số loại vi khuẩn tạo axit gây ra (như Lactobacillus, Streptococcus mutan, Actinomyces). Các vi khuẩn này gây tổn thương cho răng trong môi trường có các carbohydrate lên men được, ví dụ như các loại đường sucrose, fructose, and glucose.

Sâu răng là một bệnh mạn tính phổ biến. Tỷ lệ người mắc bệnh sâu răng trong cộng đồng có thể tới 90% dân số. Nếu không được chữa trị, bệnh này có thể dẫn đến rụng răng, nhiễm trùng, viêm tủy răng, viêm hạch, viêm tủy xương, viêm quanh cuống răng với các cơn đau dữ dội, thậm chí gây nhiễm trùng huyết dẫn đến tử vong đối với những ca nặng.

Ba yếu tố góp phần Sâu răng

Ba yếu tố góp phần Sâu răng 1

Vi khuẩn, Thức ăn, Thời gian là 3 yếu tố cần thiết trong bệnh Sâu răng

Cơ chế gây Sâu răng

Cơ chế gây Sâu răng 1

Vi khuẩn S. mutans khởi đầu quá trình Sâu răng

Vi khuẩn S.mutans tiết ra ra một thành phần gây dính gọi là glucan không hòa tan hoạt động như một chất keo dính cho phép S.mutans bám vào bề mặt răng. S.mutans sản xuất ra glucan không hòa tan từ sucrose trong thức ăn bằng cách sử dụng men glucosyltransferase (GTase). Điều này giải thích tại sao việc chúng ta ăn các loại thực phẩm ngọt có thể dẫn tới sâu răng: vì chúng chứa rất nhiều sucrose (đường). Men GTase đóng vai trò chính cho phép S.mutans bám chắc chắn trên bề mặt răng.

Diễn biến của quá trình Sâu răng

  • Sâu men: Men bị tổn thương (mất khoáng), có thể có lổ sâu hay không có. Không đau nhức, thường không tự phát hiện được.
  • Sâu ngà: Lỗ sâu tiến triển đến ngà. Đau khi có kích thích (Cơ học, nhiệt độ…) và hết đau khi tác nhân kích thích chấm dứt.
  • Viêm tủy: Tổn thương lan đến tủy răng. Đau nhức dữ dội, nhất là khi nằm nghỉ ngơi (về đêm). Đau tự phát hay khi có kích thích và đau kéo dài khi tác nhân kích không còn.
  • Tủy chết: Tủy hoại tử, có mùi hôi đặc trưng. Bệnh nhân không đau.

Biến chứng

  • Nhiễm trùng chóp chân răng (abces quanh chóp, u hạt hay nang chân răng).
  • Viêm xương.
  • Viêm cốt tủy xương.
  • Viêm mô tế bào.
  • Viêm xoang hàm.
  • Viêm tắc tĩnh mạch xoang hang.

Tìm hiểu thêm: Biến chứng của bệnh sâu răng

Điều trị sâu răng

  • Tái khoáng phần bị sâu: dùng dung dịch gồm Calci, phospho và Fluor trám vào nơi răng bị sâu → áp dụng cho răng chớm sâu.
  • Nạo bỏ phần chân răng bị sâu → áp dụng cho mọi lỗ sâu răng, nhất là lỗ sâu rộng nhằm ngăn chặn sự phát triển tiếp theo của sâu răng.
  • Hàn trám lỗ sâu răng: dùng chất liệu hàn trám để hàn thật chắc vào răng để không lưu vi khuẩn và TĂ vào hốc sâu răng → ngăn chặn bệnh, khôi phục chức năng của răng, giữ thẩm mỹ cho răng.
  • Trong trường hợp sâu nặng nề có thể phải nhổ răng.

Xem thêm: Bệnh sâu răng và cách điều trị mới

Phòng ngừa sâu răng

  • Chải răng đúng cách sau khi ăn, trước khi đi ngủ; dùng kem đánh răng có chứa Fluor.
  • Phụ nữ mang thai: bổ sung calci đầy đủ.
  • Khám răng, lấy cao răng: 6 tháng/lần.
  • Nước súc miệng chứa thành phần sát trùng để tiêu diệt vi khuẩn.

Tuy nhiên nước súc miệng cũng có nhược điểm là:

  • Không thể nào diệt được tất cả vi khuẩn gây sâu răng vì các vi khuẩn nằm trong mảng bám răng (Dental plaque), trong cao răng và trong những lỗ sâu răng sẽ khó bị ảnh hưởng của thuốc.
  • Không thể sử dụng thường xuyên được vì thuốc sẽ giết chết những vi khuẩn có ích trong môi trường miệng làm rối loạn và mất cân bằng miễn dịch của vùng miệng.

Bệnh sâu răng và ảnh hưởng tới sức khỏe con người

Ngoài vấn đề thẩm mỹ, sâu răng cũng gây nhiều phiền toái và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của chúng ta. Đặc biệt với phụ nữ mang thai, sâu răng không những ảnh hưởng tới sức khỏe răng miệng của Mẹ mà còn có những tác động tiêu cực tới con như Mẹ bị sâu răng → có thể ảnh hưởng tới hệ miễn dịch và hệ tiêu hóa của con khi sinh ra; tăng nguy cơ sinh non, trẻ sơ sinh có thể nhiễm vi khuẩn sâu răng từ người mẹ. Do vậy việc chăm sóc răng tốt ở người mẹ giúp ngăn ngừa sâu răng ở trẻ.

Tại sao phụ nữ mang thai dễ bị sâu răng?

Phụ nữ mang thai thuộc nhóm có nguy cơ cao bị sâu răng do nhiều nguyên nhân như:

  • Nôn, buồn nôn do nghén dẫn tới thay đổi pH trong miệng làm mòn răng, xáo trộn khả năng tự bảo vệ trong khoang miệng.
  • Thay đổi trong chế độ ăn, đặc biệt các đồ ăn ngọt, có ga chứa carbonate làm dịu cảm giác buồn nôn nhưng tăng nguy cơ sâu răng.
  • Có giảm tiết nước bọt khi mang thai dẫn tới giảm khả năng bảo vệ men răng.
  • Thiếu canxi do phải cung cấp cho con.

Trong khi phải đối mặt với nhiều nguy cơ gây sâu răng như vậy, các biện pháp can thiệp điều trị lại rất hạn chế đối với phụ nữ mang thai đặc biệt 3 tháng đầu thai kỳ do nhau thai bám vào tử cung chưa chắc chắn. Do vậy cách tốt nhất với bà bầu là phòng ngừa một cách hiệu quả.

Tại sao trẻ bị sún răng và sâu răng?

Sún răng và sâu răng là hai hiện tượng khác hẳn nhau…

Sún răng là bệnh làm tiêu dầu răng sữa của trẻ, thường từ 1-3 tuổi. Răng cửa hàm trên hay mắc hơn cả. Bắt đầu là một chấm nâu rồi đen ở ở mặt ngoài, răng dần dần mủn và tiêu đi, không đau nhức gì. Lâu dần chỉ còn những mỏm răng gần tụt xuống lợi làm chân răng nằm sát xuống lợi, rất cứng, đen bóng. Lợi lúc đầu hơi cương cứng, chảy máu, có mùi hôi, về sau trở lại bình thường. Bệnh sún răng không gây ảnh hưởng tới mầm răng vĩnh viễn. Nguyên nhân sún răng chưa được biết rõ ràng, có thể do thiếu vitamin C hoặc các thành phần dinh dưỡng khác. Không nên nhổ răng sún vì răng vĩnh viễn sẽ mọc lệch thành răng vẩu, răng khểnh rất xấu.

Ngược lại, sâu răng là bệnh làm tiêu răng rồi hủy hoại dần cấu trúc của răng. Bắt đầu răng màu xám, rất mềm, rồi tiếp tục tiến triển làm răng lún sâu xuống dưới lợi. Lợi sẽ trùm lên trên, cọ xát với răng, lợi bị sưng tấy, dễ chảy máu. Cuối cùng phải nhổ mới khỏi. Tỷ lệ sâu răng ở trẻ em Hà Nội: trẻ 3 tuổi 52%; 4 tuổi là 59%; 5 tuổi 73%; 6 tuổi 77%.

Nguyên nhân gây sâu răng phần lớn là do vi khuẩn, trong đó S.mutans là vi khuẩn chính. Thức ăn cũng là một yếu tố quan trọng đặc biệt là các chất  đường (kẹo, bánh..). Khi ăn nhiều đường lúc đói hay buổi tối thì đường sẽ đọng lại trong răng một thời gian lâu và bị các vi khuẩn có sẵn trong miệng mau chóng lên men thành acid tiêu hủy răng.

Tình trạng sức khỏe cũng ảnh hưởng rõ rệt tới bệnh sâu răng. Trẻ em gầy yếu dễ bị sâu răng hơn.

Tìm hiểu thêm: Chữa bệnh sâu răng cho trẻ hiệu quả

Nguồn Igygate.vn

Có thể bạn quan tâm: Bà bầu bị sâu răng, Bệnh sâu răng ở trẻ em, Người lớn bị sâu răng

Ý kiến của bạn